Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển rác thải đô thị trên địa bàn TPHCM vẫn được thực hiện theo phương thức thủ công, không phù hợp tiêu chuẩn của đô thị văn minh, hiện đại. Để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi các phương tiện thu gom rác thải đạt chuẩn. Theo đó các xe chuyên dùng để chở rác phải có nắp đậy.
Các chuyên gia cho rằng, việc cải tiến phương tiện thu gom rác thải không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường khi thu gom, vận chuyển, mà còn góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc kêu gọi phân loại rác tại nguồn.
Phương tiện thu gom rác hiện tại đã cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố phương tiện thu gom rác sinh hoạt vẫn chủ yếu là những xe ba gác tự chế cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Rác thải của người dân tất cả đều cho vào một thùng rồi chuyển đến điểm tập kết. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người dân không mặn mà lắm với việc phân loại rác tại nguồn.
Chất thải rắn phát sinh hàng ngày lớn, phương tiện thu gom, vận chuyển, cũng như nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ chế, chính sách chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đơn giá, định mức còn chậm đổi mới theo cơ chế thị trường. Việc thu gom rác bằng xe ba gác, xe lôi, xe tự chế làm phát tán mùi hôi, rác rơi vương vãi xuống đường gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Tại TPHCM, thống kê cho thấy mỗi ngày thành phố thải ra môi trường gần 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Việc thu gom, vận chuyển lượng rác thải ngày một tăng này đang là một thách thức lớn đối với thành phố.
Theo Sở TN-MT TPHCM, dù thu gom lượng rác đến 60% nhưng phương tiện của lực lượng rác dân lập chủ yếu là xe ba gác, xe lôi, xe tự chế không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường khi hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, UBND TPHCM đã chỉ đạo chậm nhất đến hết tháng 10-2019 phải hoàn thành việc chuẩn hóa mẫu xe thu gom rác.
Các phương tiện được áp dụng gồm thùng nhựa hoặc composite dung tích 660l thay thế cho các thùng rác tự chế bằng sắt không bảo đảm chất lượng vệ sinh. Các thùng này có xe đẩy bằng điện hỗ trợ người thu gom đỡ mất sức khi di chuyển từ nhà dân đến điểm hẹn.
Ngoài việc phải thay thế thùng rác, các xe chở rác phải có thùng kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác. Mặt khác, các phương tiện này phải đáp ứng quy định của Luật Giao thông đường bộ, được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại ô tô chở rác.
Nỗ lực hỗ trợ chuyển đổi phương tiện
Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TPHCM), thừa nhận quá trình chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải trên địa bàn TPHCM gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các đơn vị đang thiếu nguồn vốn để đầu tư. Tuy nhiên, thành phố đã ra thời hạn cụ thể để thực hiện việc chuyển đổi phương tiện; do vậy, các đơn vị cần xúc tiến, đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển đổi theo quy định.
Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải, Quỹ Bảo vệ môi trường đang làm việc với Sở Tài chính để xin nguồn kinh phí 90 tỷ đồng, sử dụng cho mục tiêu chuyển đổi xe thu gom rác. Các đơn vị thu gom rác cần phối hợp chặt với Quỹ Bảo vệ môi trường để vay vốn, thực hiện việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác theo kế hoạch đề ra.
Không dừng lại ở đó, Liên minh Hợp tác xã TPHCM cũng có một nguồn tín dụng để hỗ trợ cho các đơn vị vay để chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Mức vay tín chấp cho thành viên (cá nhân) là 60 triệu đồng, pháp nhân (hợp tác xã) được vay tối đa 3 tỷ đồng (có thế chấp); bất kỳ thành viên hay hợp tác xã muốn vay thì liên hệ với Liên minh Hợp tác xã TPHCM để được hướng dẫn. Chỉ cần đối tượng vay có đăng ký tạm trú dài hạn và điều kiện năng lực trả nợ đảm bảo thì quỹ sẽ xem xét hỗ trợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cải tiến quy trình thu gom, vận chuyển rác thải là rất cần thiết, phù hợp yêu cầu phát triển đô thị hiện nay, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan, tổ chức trong việc tự giác tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị rác dân lập đầu tư đổi mới trang thiết bị, phương tiện thu gom chất thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; có cơ chế cho vay trả chậm, ưu đãi lãi suất khi chuyển đổi thiết bị, phương tiện.
Xem thêm: Xe chở rác hd260 3 chân ép rác 22 khối